Mướp là món ăn dân dã quen thuộc của mỗi gia đình trong ngày hè nắng nóng. Quả mướp thường nấu canh cua, xào với lòng gà vịt, luộc ăn… Các bộ phận của cây đều có giá trị làm thuốc chữa bệnh hiệu quả.
Theo Y học cổ truyền, quả mướp có vị ngọt, tính bình, không độc. Tác dụng thanh nhiệt, hóa đàm, trừ thấp, tiêu viêm, cầm máu. Chữa táo bón, nóng nhiệt, viêm họng, ho đàm, mụn nhọt, tăng sữa… Xơ mướp tác dụng thanh nhiệt, mát huyết, thông kinh, giải độc, giảm đau, cầm máu, dùng dưới dạng sao vàng cháy còn tính tán nhỏ pha nước uống ngày 10-20g. Nước trong cây mướp làm cho da thêm mịn màng, bớt nếp nhăn.
Quả mướp chứa protein, gluxit, canxi, phosphor, beta-caroten và vitamin C, ngoài ra còn có chất nhầy và kalinirat… đều là dưỡng chất có lợi cho sức khỏe. Nhân hạt mướp chứa dầu, ăn bổ, béo ngon.
Xin giới thiệu một số bài thuốc trị bệnh từ mướp:
Chữa sản phụ sau sinh ít sữa: mướp 1 quả, đậu phộng 100g, móng giò lợn 1 cái hầm tuần ăn vài lần.
Chữa tay chân tê mỏi: mướp hầm với chân gà cho thêm gia vị vừa đủ ăn tuần vài lần.
Chữa bệnh trĩ, đại tiện ra máu: xơ mướp 1 trái sao đen tán bột cho uống ngày 2-3 lần.
Chữa bệnh zona chốc lở đầu trẻ em: lấy lá mướp giã vắt nước cốt bôi.
Bảo kiện mỹ dung, làm đẹp nhan sắc: cắt dây mướp gần gốc đoạn dưới cho vào chai thủy tinh sạch để hứng nhựa mướp, lọc bằng vải sạch, cho vào tủ lạnh dùng dần, ngày bôi vài lần lên da mặt, làm giảm nếp nhăn, da mịn màng.
Chữa phong thấp nhức mỏi: rễ mướp nấu nước ngâm chân.
Chữa kinh nguyệt không đều: xơ mướp sao đen tồn tính tán nhỏ lần uống 5-10g pha ít rượu uống.
Chữa ngứa lở ngoài da: lấy rễ cây mướp già nấu nước ngâm chân ngày 1-2 lần.
Chữa phụ nữ sau sinh tắc tia sữa: quả mướp hơi già 200-300g cắt khúc sắc nước uống.