Vỏ bào ngư có hình bầu dục hoặc gần bán cầu, nhìn mặt trong hơi giống tai người, dài 3,5 – 8,5cm; rộng 2,5 – 5,5cm. Dược liệu có vị mặn, tính bình không độc, có tác dụng bổ gan thận, thanh nhiệt, làm sáng mắt, chủ trị các chứng bệnh về mắt:
Chữa đau mắt đỏ, mắt kéo màng, đau nhói về tối: vỏ bào ngư và cỏ tháp bút (mộc tặc) lượng bằng nhau, sao khô, tán bột, mỗi lần uống 12g với nước có pha 3 lát gừng và một quả táo tàu giã nhuyễn. Ngày làm 2 lần.
Hoặc vỏ bào ngư, cúc hoa vàng, cam thảo, lượng 3 thứ bằng nhau, phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 4g với nước ấm, dùng hai lần.
Chữa quáng gà: vỏ bào ngư, sơn thù, sơn dược, mỗi thứ 16g; cúc hoa, bạch thược, kỷ tử, trạch tả, phục linh, đơn bì, thục địa, mỗi thứ 12g. Tất cả phơi khô, tán bột mịn, trộn với mật làm thành viên uống. Mỗi ngày 20g, chia làm 2 lần.
Chữa đục thủy tinh thể: vỏ bào ngư 30g, huyền hồ phấn 10g, thuyền thoái 15g, xác rắn lột 15g, đại hoàng 5g. Tất cả sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày.
Theo kinh nghiệm dân gian, thịt bào ngư nấu với gạo nếp đến nhừ nhuyễn cho phụ nữ sau sinh ăn trong vài ngày, có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường thể lực, kích thích ăn, nhiều sữa. Người dân vùng biển còn truyền tụng nhau rằng, ăn bào ngư đều đặn mỗi tháng 1 – 2 lần sẽ sống lâu, cường tráng.
Ở Trung Quốc, bào ngư được dùng như một món ăn – vị thuốc để bổ khí huyết, hạ huyết áp. Bào ngư 50g xào với 5g tỏi, 5g hành rồi nấu chín với 7,5g sò huyết, 7,5g sơn tra và 400ml nước luộc gà. Ăn cả cái lẫn nước làm một lần trong ngày. Bào ngư phơi khô 20 – 25g nấu với củ cải cho chín, ăn cách ngày chữa bệnh đái tháo đường.
DS. Huyền Hoa
Nguồn: suckhoedoisong